Từ lâu, giới am hiểu mỹ thuật đã phong Nguyễn Tư Nghiêm là một trong bốn họa sĩ hiện đại bậc nhất Việt Nam, bộ tứ ấy là Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Tuy danh tiếng vượt ra tầm thế giới, nhưng trước đây Nguyễn Tư Nghiêm mới có một triển lãm cá nhân được thực hiện vào cuối những năm 1980.
Sắp tới, họa sĩ Mai Anh cùng chồng là Trung Thành (người quản lý gallery Ngàn Phố) sẽ trưng bày các tác phẩm của danh họa mà họ có. Cuộc trưng bày chỉ mang tính chất như một cuộc chơi xuân của nữ họa sĩ và bè bạn; nhưng nó tạo cơ hội cho công chúng mỹ thuật được dịp thưởng lãm tác phẩm của bậc tài danh.
Một số tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm đang được trưng bày. |
35 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được giới thiệu, trong đó có tới 30 bức thuộc sở hữu của họa sĩ Mai Anh, 5 bức còn lại do bạn bè chị mang tới góp vui đầu xuân. Hầu hết tác phẩm là tranh bột màu trên giấy, có bức là phấn màu, hoặc tranh chì. Tranh đa dạng đề tài sáng tác, nhưng nhiều nhất vẫn là tranh con giáp, tranh chân dung, trong đó có cả tranh nude, tranh họa Thúy Kiều – Kim Trọng… Trong 35 tác phẩm đó, có những bức được ông vẽ từ năm 1970 như Nhịp điệu hoa văn, Trâu 1970; những bức vẽ năm 1985 như Trâu; tới những bức vẽ gần đây, như bức Gióng 01 (vẽ năm 1999), hoặc Rồng đỏ (khoảng 2010).
Tranh trưng bày thể hiện những đặc trưng riêng biệt của Nguyễn Tư Nghiêm. Từ đề tài tới cách thể hiện đều là sự hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình của hội họa hàn lâm châu Âu. Những năm giữa thế kỷ trước, khi nhiều họa sĩ thường ảnh hưởng bởi lối vẽ tả thực, thì Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tạo ra các tác phẩm khác biệt. Tranh của ông không nệ thực vào câu chuyện cuộc sống hàng ngày. Màu sắc tranh mộc mạc, đằm thắm, gần gũi. Ngay cả khi ông đặt những màu đối chọi cạnh nhau như xanh – đỏ, vàng – tím thì màu sắc ấy không hề sặc sỡ, ngược lại chúng mang tới cảm giác hiền hòa.
Phong cách nghệ thuật khác biệt của Nguyễn Tư Nghiêm khiến nhiều người ngưỡng mộ. Vợ chồng họa sĩ Mai Anh cũng vậy, họ cho rằng tranh của cụ Tư Nghiêm không lẫn vào với bất cứ họa sĩ nào trên thế giới: “Danh tiếng của cụ thì ai cũng biết rồi, nhưng cụ có một phong cách riêng, rất khác biệt. Nếu xét về trường phái, có thể thấy tranh của cụ có hơi hướng trừu tượng, lập thể. Nhưng những phong cách ấy chưa hẳn đã đúng, bởi vẫn có một sắc thái khác biệt tạo ra từ tranh cụ, chúng tôi gọi đó là ‘trường phái hội họa Nguyễn Tư Nghiêm'”.
Để có tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm không phải là điều dễ dàng với vợ chồng họa sĩ Mai Anh. Anh Trung Thành cho biết cách đây chừng bảy năm, vợ chồng anh rất thích tranh cụ Tư Nghiêm mà không biết cách nào để tiếp cận. Thông qua một họa sĩ, họ tới gặp và đặt vấn đề mua tranh với gia đình danh họa. Nhưng Thu Giang (vợ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm) không tin tưởng những người mới đến nên đã từ chối bán tranh. “Về sau, chị Thu Giang có dịp ghé qua Ngàn Phố Gallery, nghe và biết về công việc của chúng tôi, nên đã gọi vợ chồng tôi tới nhà, đồng ý trao đổi tranh. Bởi vậy, chúng tôi mới được sở hữu tranh cụ Nghiêm, có đợt, chúng tôi mua được kha khá tranh” – anh Trung Thành nói.
Một số tranh của Nguyễn Tư Nghiêm đang được trưng bày. |
Cũng theo anh Trung Thành, hiện tranh của Nguyễn Tư Nghiêm ít được bán cho các gallery hay người sưu tập trong nước, bởi bà Thu Giang sợ tranh của chồng bị sao chép nếu chủ sở hữu mới không đáng tin. Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, vợ chồng họa sĩ Mai Anh phải bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu các tác phẩm họ yêu thích. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm có bức được định giá tới hơn một triệu USD khi một bảo tàng ở London mượn để trưng bày. Bởi thế có thể hình dung ra giá tranh của danh họa không hề rẻ, kể cả với những bức không nổi tiếng.
Nói về lý do mang tranh ra trưng bày, anh Trung Anh chia sẻ: “Tranh cũng như người, cũng mang số phận của nó. Mình có tranh mà cứ để trong nhà, thỉnh thoảng lôi ra ngắm thì khác nào một người có tính độc tài giam cầm một cô gái đẹp. Bởi vậy, vợ chồng tôi mang tranh cụ ra treo ở phòng tranh để mọi người cùng thưởng thức”.
Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được trưng bày tại Ngàn Phố Gallery (82 Hàng Gai, Hà Nội) từ 27/2 tới hết 12/3.