Chàng trai 17 tuổi ‘3D hóa’ hàng trăm linh vật Việt

Gần 100 linh vật Việt cổ được Nguyễn Trí Quang (17 tuổi, Hà Nội) scan 3D rồi đưa lên mạng. Trong số đó, có nhiều linh vật với giá trị độc đáo như: Sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh); bệ sư tử thời Lý còn tương đối hoàn hảo thuộc loại lớn nhất Việt Nam tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên); nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế; rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên -Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)…

Hình ảnh 3D các linh vật truyền thống được Quang đưa lên, cho phép người xem quay đa chiều để quan sát ở nhiều góc độ, có thể phóng to, thu nhỏ, zoom vào từng chi tiết.

10899847-10202397023366853-132-3293-6144

Tác phẩm 3D của Trí Quang. Vào website do cậu tạo ra, độc giả có thể tương tác với những hiện vật được số hóa.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) rất hài lòng với sản phẩm của chàng trai 17 tuổi này. Theo ông, hình ảnh 3D của Quang giúp ích lớn cho công tác nghiên cứu, sao chép, tạo hình các linh vật truyền thống Việt Nam. Bản thân ông từng nghiên cứu bệ sư tử đá chùa Hương Lãng, nhưng không xem được tổng thể, nhất là phần đầu vì kích thước quá lớn (dài 2,8 m, rộng 1,5 m, cao 0,9 m). Những chi tiết hoa văn trên linh vật trong điều kiện ánh sáng bình thường cũng khó quan sát hết được.

“Sản phẩm scan 3D của Quang khắc phục được các điểm yếu đó. Nó không chỉ giúp ích cho công tác nghiên cứu mà còn tốt cho cả người mua, người thợ tự tin chọn sản phẩm thuần Việt, theo các mẫu từ cổ xưa chứ không phải sáng tác mới”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói.

Điêu khắc gia Nguyễn Văn Vũ đã trực tiếp sử dụng hình ảnh 3D các linh vật truyền thống của Quang làm tư liệu cho công việc sáng tác mẫu tượng nghê thuần Việt. Anh đánh giá sản phẩm 3D khá hiệu quả cho mô phỏng lại linh vật Việt cổ. “Khi làm lại chiếc đuôi đã bị mất cho con nghê đá trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi rất lúng túng vì có nhiều ý kiến. Các tư liệu 3D cho phép quay đa chiều của Quang giúp tôi hình dung rõ hơn về nghê truyền thống. Dựa vào hình ảnh những con nghê cùng thời, có kết cấu tương đồng được em đăng tải, tôi đã chọn ra một mẫu đuôi khá ưng ý”, ông Vũ nói.

Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình), ông Nguyễn Quang Diệu, khi được nghe về website có hình ảnh scan 3D linh vật cổ Việt Nam đã rất phấn khởi. Ông cho rằng sản phẩm cho phép quan sát kỹ lưỡng các góc độ, chi tiết của nhiều linh vật, sẽ giúp ích lớn cho thợ làng nghề trong việc làm tượng truyền thống chính xác hơn, giảm bớt công đến địa phương tìm hiểu mẫu.

hinh-anh-3D-linh-vat-Viet-Nam-3938-14199

Căn phòng rộng chừng 15 m2 vừa là phòng ngủ vừa  là nơi Nguyễn Trí Quang (17 tuổi, Hà Nội) mỗi ngày dành hơn 10 giờ để mày mò, lập trình, xử lý hình ảnh 3D. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chia sẻ về website với hàng trăm hình ảnh 3D linh vật truyền thống Việt Nam ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, Trí Quang cho biết: “Đây là một phần kết quả của hơn 3 năm em theo bố quét 3D các cổ vật Việt Nam, để phục vụ việc tìm mẫu, sáng tạo cho xưởng mỹ nghệ của gia đình”.

Lớn lên trong môi trường điêu khắc, bố mẹ đều làm mỹ nghệ, từ bé Nguyễn Trí Quang đã hứng thú với những khuôn mẫu, hoa văn truyền thống… Em dành nhiều thời gian mày mò tìm hiểu về mỹ thuật qua các sách chuyên ngành của Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ…, giúp bố quét 3D các sản phẩm và sửa chữa trên máy tính.

Bước vào năm lớp 8, Quang cảm thấy việc học văn hóa trên lớp, đi học thêm khiến em không đủ thời gian theo đuổi đam mê 3D hóa sản phẩm truyền thống. Quang quyết định xin bố mẹ cho nghỉ học để tập trung thực hiện ý tưởng xây dựng website 3D. Mất một năm chứng minh năng lực của bản thân và triển vọng công việc mình làm, tốt nghiệp cấp 2, Quang nhận được cái “gật đầu” từ bố mẹ.

Quyết định của gia đình Quang gặp phải sự phản ứng lớn từ ông bà, họ hàng, làng xóm. Ai cũng cho rằng đây là lựa chọn quá mạo hiểm và ít nhất cũng phải để em học hết THPT. “Mọi người phản đối nhiều lắm. Lúc đầu chúng tôi choáng váng khi nghe con nói muốn nghỉ học để theo đuổi công nghệ 3D. Nhưng nhìn vào khả năng, nhiệt huyết làm việc của con, cũng như thị thường 3D chưa có nhiều cạnh tranh, tôi quyết định tin tưởng và ủng hộ cháu”, ông Nguyễn Chí Dũng (44 tuổi), bố của Trí Quang nói.

Bàn làm việc với hai màn hình máy tính lớn, một giá có nhiều sách mỹ thuật của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ… là nơi Nguyễn Trí Quang ngày ngày tỉ mẩn ghép mặt, ghép màu, lập trình tương tác file 3D scan các linh vật truyền thống Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.